Chuyên gia kinh tế1

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc tăng giá điện là cần thiết nhằm điều chỉnh để phù hợp với thị trường và có thêm nguồn vốn đầu tư cho ngành điện.

Quyết định tăng giá điện lên 15,28% từ ngày 1/3 tới là điều không ai mong muốn, thế nhưng theo các chuyên gia kinh tế, khi chi phí đầu vào tăng thì giá điện cũng phải tăng lên. Hơn nữa, tăng giá nhằm mục đích để tái cơ cấu ngành điện, do vậy tăng giá điện là điều cần thiết để phục vụ cho sản xuất và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Những ngày gần đây thông tin tăng giá điện lên mức 15,28% được rất nhiều người dân quan tâm. Nhiều người lo ngại, với mức tăng giá điện như vậy sẽ kéo theo các mặt hàng khác cùng tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Theo lý giải của các cơ quan chức năng, với nhiều yếu tố như sự trượt giá của tiền đồng, Việt Nam phải tăng nhập khẩu điện, chi phí xây dựng các nhà máy điện tăng, biến động của tỷ giá USD… thì tăng giá điện là việc cần thiết phải làm. Nếu không tăng giá điện thì sẽ gây khó khăn cho ngành điện và khó thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư khác vào nguồn điện vốn đang thiếu trầm trọng của Việt Nam.

Bà Vũ Thị Bình, một người dân ở phố Ngọc Hà (Hà Nội) cho biết, thu nhập của hai vợ chồng bà hàng tháng chỉ gói gọn trong 4 triệu đồng, giá điện tăng lên sẽ gây khó khăn cho sinh hoạt trong gia đình bà. Thời gian tới, gia đình bà phải tính tới việc tiết giảm sử dụng điện sinh hoạt đến mức tối đa để phù hợp với số tiền mà vợ chồng bà kiếm được hàng tháng. Mặc dù vậy, bà Bình cũng đồng tình với quyết định tăng giá điện của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Dũng đang làm nhân viên bảo vệ cho một công ty nhỏ ở Hà Nội, với mức thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng/tháng, ông không khỏi băn khoăn, tính toán khi giá điện tăng. Cũng như nhiều người dân khác, ông Dũng đang mong chờ một sự thay đổi tích cực của ngành điện trong năm nay.

Ông Nguyễn Văn Dũng nói: “Giá điện tăng hàng năm, nhưng cần được cung cấp đều để các doanh nghiệp đủ điện sản xuất, người dân được sử dụng đầy đủ. Đã tăng thì phải đảm bảo chất lượng của điện. Về phía người dân cũng cần tiết kiệm, không nên lãng phí”.

Theo Bộ Công Thương, với việc tăng giá điện 15,28% ngành điện sẽ vẫn phải tiếp tục chấp nhận mức lợi nhuận thấp và cắt giảm các chi phí trong sản xuất và kinh doanh điện; đồng thời sẽ bị lỗ một khi phát sinh các chi phí như thiếu điện, phải huy động thêm nguồn điện chạy dầu, hay mua điện ngoài với giá cao…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc tăng giá điện là cần thiết nhằm điều chỉnh để phù hợp với thị trường, mặt khác có thêm nguồn vốn đầu tư cho ngành điện. Nếu không tăng giá sẽ không khuyến khích đầu tư và điện có thể sẽ thiếu trầm trọng trong tương lai.

Phương án này cũng đồng thời để đảm bảo ngành điện không quá khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng thiếu điện trong dài hạn, đồng thời thúc đẩy người dân phải tiết kiệm hơn trong việc sử dụng điện năng.

Theo báo cáo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2011 vừa được Cục Điều tiết điện lực trình lên Bộ Công thương, tổng điện năng có thể đáp ứng trong mùa khô là 53,7 tỷ kwh, thiếu hụt khoảng 1,78 tỷ kwh so với nhu cầu dự báo cho đến hết tháng 6 tới.

Nguyên nhân là do các biến động như: sự cố Nhà máy điện khí Phú Mỹ 3 làm giảm sản lượng phát của nhà máy trong giai đoạn khắc phục khoảng 680 triệu kwh; một số tổ máy vẫn phải tách khỏi vận hàng để xử lý sự cố như tổ máy số 2 Nhà máy Hải Phòng, tổ máy số 2, Nhà máy Sơn Động.

Như vậy, trước sự khan hiếm điện năng, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần chung tay nỗ lực trong việc tiết kiệm điện, giảm tiêu hao điện năng đến mức thấp nhất để bù đắp phần nào sự thiếu hụt điện năng của ngành điện trong thời gian tới./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *